Trường học cần làm gì để dạy trực tiếp an toàn, hiệu quả?

Blog typography and design style

Trường học cần làm gì để dạy trực tiếp an toàn, hiệu quả?

Đến đầu tháng 1, cả nước có 9 tỉnh, thành dạy học trực tiếp hoàn toàn, 35 địa phương dạy học kết hợp, còn lại là dạy trực tuyến và qua truyền hình. Dự kiến sau Tết, từ 7/2, có thêm 8 tỉnh, thành cho học sinh đến trường.

Tại Hội thảo trực tuyến về dạy học trực tiếp, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 19/1, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế, chia sẻ CDC Mỹ đã có báo cáo tổng quan các nghiên cứu trên thế giới về mở cửa trường học. Kết quả cho thấy nguy cơ lây lan ở trường học thấp hơn trong cộng đồng, tức là đi học an toàn hơn ở nhà. Để đến trường thực sự là an toàn, ông Nga cho rằng quá trình phối hợp giữa gia đình và nhà trường là rất cần thiết, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng.

GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, đồng tình. Ông nhấn mạnh học sinh cần được đảm bảo an toàn khi ở nhà, trên đường đến trường và tại trường học, trong đó quan trọng nhất là ở nhà bởi "phần lớn F0 trong trường học xuất phát từ nguồn lây bên ngoài". Vì vậy, ở mỗi gia đình, phụ huynh cần tiêm chủng đầy đủ, có trách nhiệm giữ gìn, thực hiện 5K. "Bố mẹ đi làm, hội họp rất nhiều mà không tự bảo vệ sẽ gây mất an toàn cho con và có thể khiến dịch lây lan", ông Trí nói.

Với giai đoạn đến trường và ở lớp, các trường cần có kịch bản, hướng dẫn cụ thể để phòng dịch, tránh tình trạng đi học vài buổi lại phải nghỉ. Y tế học đường cũng cần thực hiện tốt việc theo dõi sức khỏe cho học sinh, tổ chức xét nghiệm, tiêm chủng; quan tâm đến những em yếu thế.

PGS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyến cáo trong các gia đình, thành viên nào đủ điều kiện tiêm vaccine thì cần tiêm chủng đầy đủ bởi điều này sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, bảo vệ không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ.

Phụ huynh cần được phổ biến đầy đủ thông về quy định ứng phó Covid-19 cụ thể tại trường học; chuẩn bị tâm lý cho các cháu, hướng dẫn 5K; không cho con đến trường nếu có dấu hiệu bệnh, tiếp xúc với người mắc Covid-19.

Ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sẽ chỉ đạo các Sở Y tế phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương xây dựng kịch bản phòng chống Covid-19 ở trường học từ gia đình, trên đường đến trường và cả sinh hoạt cộng đồng ngoài xã hội.

Hiện, hầu hết học sinh từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm vaccine. Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị kế hoạch tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển phát biểu tại hội thảo sáng 19/1. Ảnh: MOET

Đối với việc dạy và học, nhiều chuyên gia nhận định, giảm tải chương trình, giảm áp lực thành tích với học sinh - giáo viên là điều cần làm trong bối cảnh này.

Bà Simone Vis, Trưởng đại diện chương trình giáo dục của UNICEF Việt Nam, cho biết Liên Hợp Quốc đưa ra ba vấn đề trọng yếu cần ưu tiên. Thứ nhất là phải đảm bảo tất cả trẻ em được trở lại trường và có các biện pháp hỗ trợ để trẻ phát triển tốt về thể chất, tinh thần và xã hội.

"Chúng ta cần nhớ các em không đến trường đã nhiều tháng. Nhiều em bị giảm kỹ năng xã hội nên trong vài ngày đầu tiên, nhà trường cần tạo điều kiện để các em làm quen lại với môi trường lớp học, từ đó phục hồi khía cạnh cảm xúc xã hội", bà Simone Vis nói.

Yếu tố thứ hai, theo bà, cần quan tâm đến những áp lực học sinh gặp phải bởi theo khảo sát, các em có nhiều lo ngại liên quan đến kết quả học tập. Bà mong ngành giáo dục bố trí lại lịch học, cắt giảm bài kiểm tra để cân đối được điều này.

Cuối cùng, đại diện UNICEF cho rằng các trường cần ưu tiên xác định rõ rào cản đối với nhóm học sinh dễ bị tổn thương nhất như rào cản về kinh tế, xã hội để có biện pháp hỗ trợ.

UNICEF thậm chí kêu gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo tái thiết hệ thống giáo dục bởi giai đoạn đại dịch cho thấy đổi mới trong giáo dục là điều cần thiết và hoàn toàn khả thi.

Ông Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng Bộ cần xem lại chương trình học sao cho hợp lý. "Phụ huynh, nhà trường, ngành giáo dục đừng đặt những cái đích quá cao sau một giai đoạn khó khăn như này", ông Trí nói.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các trường học tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế, tập huấn, lên kịch bản trong các tình huống có dịch.

Về mặt chuyên môn, ông Sơn cho rằng khi trở lại học trực tiếp, các trường không nên lãng phí những mặt tích cực mà việc học online trong hai năm qua mang lại. Bộ trưởng nhấn mạnh trọng tâm của 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo. Vì vậy, các trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho học sinh, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả.

"Chính phủ đã chỉ đạo, các chuyên gia đã khuyến cáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã phối hợp trao đổi, mong rằng các địa phương khẩn trương, cương quyết đưa học sinh quay trở lại trường học, kể cả mầm non, tiểu học cũng cần có kế hoạch và kịch bản phù hợp, kịp thời", Bộ trưởng nêu rõ.

  • Chuyên gia nêu lý do nên sớm mở cửa trường
  • Thủ tướng yêu cầu cho học sinh đến trường sớm nhất có thể

Dương Tâm

 

Leave a comment

Socials

Back to Top