'Omicron lây cấp lũy thừa, nguy cơ bùng phát'
'Omicron lây cấp lũy thừa, nguy cơ bùng phát'
2022-02-02 17:09:10Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết biến chủng Omicron hiện được đánh giá ít nguy hiểm, ít gây bệnh nặng và tử vong cao như chủng Delta. Mặc dù vậy, chúng có tốc độ lây lan khủng khiếp hơn Delta, có thể nói là ở cấp số lũy thừa. Do đó, dù số ca nặng và tử vong không rầm rộ nhưng số lượng F0 quá lớn sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế của thành phố. Khi đó những ca nặng không được chăm sóc toàn diện vẫn có nguy cơ tử vong.
"Nếu không cắt đứt được nguồn lây sớm, thành phố có nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 Omicron", bác sĩ Tiến nói.
Nhận định này được bác sĩ Tiến đưa ra trong bối cảnh sáng 19/1, Sở Y tế TP HCM xác định 3 ca nhiễm Omicron cộng đồng đầu tiên. Các bệnh nhân gồm một người 35 tuổi ngụ huyện Bình Chánh, người 31 tuổi ngụ quận 11, người còn lại 48 tuổi ngụ Gò Vấp. Họ có triệu chứng đau họng, chảy nước mũi nên đến khám và lấy mẫu xét nghiệm tại phòng khám tư, ngày 14/1. Trước đó, ngày 10/1, họ từng đi ăn chung người phụ nữ 41 tuổi, ngụ phường 17, quận Bình Thạnh, từ Mỹ về Việt Nam ngày 7/1. Người này sau đó cũng được xác định dương tính Covid-19.
Hành khách xếp hàng chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 5/2021. Ảnh: Hữu Khoa
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM) cho hay thời gian ủ bệnh và lây lan của chủng Omicron rất nhanh, từ 3 đến 5 ngày. Trước khi có triệu chứng và được phát hiện dương tính, có thể những người này đã tiếp xúc với nhiều người khác, nguy cơ dịch bùng diện rộng rất cao. Tuy nhiên, "cách đối phó như thế nào với nguy cơ này mới là quan trọng", ông Dũng nói.
Theo phó giáo sư Dũng, chính quyền địa phương và ngành y tế cần phải có chiến lược giảm nguy cơ lây lan ngay, trong đó tập trung truy vết rộng nhưng có trọng điểm để tách F0. Hiện tỷ lệ tiêm chủng hai mũi vaccine ở TP HCM đạt gần 99%, tỷ lệ tiêm mũi 3 cũng khá cao; chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ (người trên 65 tuổi, có bệnh nền) đã phát huy hiệu quả. "Ít nhất trong vài tháng tới mức độ bảo vệ của vaccine còn khá tốt. Đây là hàng rào bảo vệ mà người dân có thể tạm yên tâm", phó giáo sư Dũng nói.
Ngoài ra, ông Dũng cho rằng ba trường hợp lây nhiễm Omicron trong cộng đồng có ý thức khai báo y tế ngay khi có triệu chứng nghi ngờ, từ đó lực lượng chức năng thành phố kịp thời giám sát, truy vết dịch tễ.
Để phòng ngừa Omicron lan rộng hơn nữa trong cộng đồng, bác sĩ Tiến đề nghị địa phương cần áp dụng trở lại các chiến lược truy vết những diện F chặt chẽ như các đợt dịch trước. Với 3 ca đã xác định lây trong cộng đồng, TP HCM phải khoanh vùng được ngay họ đã đi đâu, tiếp xúc với ai kể từ khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm (là người phụ nữ nhập cảnh).
Ông khuyến cáo những người đã từng tiếp xúc với 3 F0 trên, cần chủ động khai báo y tế, tự cách ly, theo dõi tại nhà. Các F1, F2 phải cách ly tuyệt đối tại nhà 14 ngày, xét nghiệm ít nhất 3 lần, được giám sát sức khỏe bởi y tế địa phương. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì phải giải trình tự gene virus tìm biến chủng.
Những người nhập cảnh hợp pháp (qua cửa khẩu hàng hải, đường bộ, hàng không) cũng như nhập cảnh trái phép (qua đường mòn lối mở) phải được cách ly, xét nghiệm ngay khi nhập cảnh, tránh "lọt lưới" ca dương tính vào cộng đồng. "Rất khó để chặn được Covid-19 hoàn toàn, chúng ta chỉ cố gắng giảm tối thiểu khả năng lây lan", phó giáo sư Dũng nói.
Giải trình tự gene virus tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Nguy cơ bùng dịch dịp Tết
Nhìn lại làn sóng Covid-19 thứ 4 tại TP HCM với sự tấn công của chủng Delta, bác sĩ Tiến nhận thấy dịch bùng phát dữ dội sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khi người dân đi lại, giao lưu tiếp xúc nhiều. Tới đây, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày có nguy cơ là điều kiện thuận lợi để dịch bùng lên. Do đó, ông khuyến cáo dịp Tết người dân hạn chế đi chơi lễ hội, tiệc tùng quy mô lớn, nên ưu tiên sự kiện trong phạm vi gia đình nhỏ, hoặc chúc tết qua online, tin nhắn... Mọi người cần tiêm ngay mũi 3 vaccine Covid-19.
Phân tích thêm về tình huống người phụ nữ trước và sau khi nhập cảnh đều xét nghiệm PCR âm tính (ngày 5/1 và 9/1), nhưng sau đó lại dương tính, các chuyên gia cho rằng có thể khi lấy mẫu bệnh nhân đang trong giai đoạn ủ bệnh, virus chưa nhân lên và chưa gây ra triệu chứng nên kết quả xét nghiệm âm tính giả. Lúc này, người phụ nữ được giải phóng cách ly - đây chính là "lỗ hổng" của giám sát. Trong thời gian người phụ nữ về lại TP HCM, virus đã nhân lên trong cơ thể, dù chưa có triệu chứng nhưng virus vẫn lây nhiễm cho những người đã tiếp xúc gần.
Vì vậy, bác sĩ Tiến khuyến cáo người trở về từ nước ngoài và được kết thúc cách ly sớm đừng vội chủ quan mà tiếp xúc với người khác. Thay vào đó, họ nên chủ động cách ly đủ 14 ngày tại nhà, tự test nhanh Covid-19 ngày 1, 7, 14. Trường hợp xuất hiện triệu chứng thì phải khai báo y tế, xét nghiệm xác định để có biện pháp phù hợp. Nếu kết quả đều âm tính, lúc đó họ giao lưu, tiếp xúc cộng đồng sẽ an toàn hơn.
Đến nay số ca nhiễm Omicron tại Việt Nam lên 73, gồm TP HCM 33 ca (3 cộng đồng, 30 nhập cảnh), Quảng Nam 27, Đà Nẵng 3, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh mỗi nơi 2, Hải Dương, Hải Phòng, Long An mỗi nơi một và đều là các ca nhập cảnh cách ly ngay.
Thư Anh
- 3 ca nhiễm Omicron cộng đồng cùng đi ăn với người nhập cảnh
- TP HCM ghi nhận 3 ca Omicron cộng đồng đầu tiên
- Biểu hiện nhiễm Omicron và Delta, cúm khác nhau thế nào
Leave a comment