Kẻ thảm sát Na Uy chào kiểu phát xít tại tòa
Kẻ thảm sát Na Uy chào kiểu phát xít tại tòa
2022-02-02 17:09:25Breivik, kẻ cuồng tín cực hữu 42 tuổi, hôm 18/1 bước vào phiên tòa xem xét ân xá tại thành phố Skien, Na Uy với những thông điệp phân biệt chủng tộc và ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng được ghim vào áo, cùng một tấm biển giơ trước ngực.
"Hôm nay, tôi cương quyết tách mình khỏi bạo lực và khủng bố", Breivik nói trong phiên điều trần, sau khi giơ tay chào kiểu phát xít với các thẩm phán. "Bằng cách này, tôi xin gửi lời hứa danh dự đến các ngài rằng những thứ đó đã mãi mãi ở phía sau tôi".
Anders Breivik giơ tay chào kiểu phát xít trong phiên điều trần tại thành phố Skien, Na Uy hôm 18/1. Ảnh: AP.
Breivik đang thi hành án 21 năm tù vì vụ thảm sát chấn động ngày 22/7/2011. Y ban đầu cho nổ bom xe làm chết 8 người bên ngoài văn phòng thủ tướng khi đó là Jens Stoltenberg ở Oslo, sau đó đến trại hè có liên hệ với đảng Lao động cánh tả ở Utøya và bắn chết 69 người, hầu hết là thanh thiếu niên.
Do bắt đầu ngồi tù từ tháng 8/2012, Breivik đến nay đã đủ điều kiện xin ân xá theo luật của Na Uy, nhưng thẩm phán có thể giữ nguyên hoặc kéo dài bản án nếu xác định y vẫn là mối nguy hiểm cho xã hội.
Trong quá trình ngồi tù, Breivik đã bị biệt giam vì muốn thành lập một đảng phát xít và trao đổi thư từ với các phần tử cực hữu ở Mỹ, châu Âu. Giới chức cũng lo ngại y có khả năng truyền cảm hứng cho những kẻ cực đoan khác thực hiện hành vi khủng bố.
Tòa dự kiến đưa ra phán quyết liên quan đến đơn xin ân xá của Breivik vào cuối tháng này.
Mặc dù Breivik vẫn có khả năng ngồi sau song sắt suốt đời, 21 năm tù là mức án cao nhất theo luật Na Uy, ngay cả đối với những tội ác vô cùng tàn bạo, bởi hệ thống tư pháp nước này được xây dựng dựa trên quan niệm công lý phục hồi.
Xem thêm: Lý do sát thủ Na Uy chỉ lĩnh án tù tối đa 21 năm
Những người ủng hộ hệ thống này lập luận rằng nó giúp tập trung vào chữa lành cho các nạn nhân, xã hội và bản thân tội phạm, có nghĩa là không nhất thiết phải trừng phạt, mà thậm chí còn quan tâm đến nhu cầu của tù nhân. Họ quan niệm tội phạm không phải những kẻ sai trái phải bị trừng phạt, mà là người lầm lạc cần được sửa chữa.
Howard Zehr, học giả về công lý phục hồi, cho biết mô hình này còn "khuyến khích tội phạm nhận thức được những hậu quả họ gây ra, hoặc đồng cảm với nạn nhân".
Huyền Lê (Theo NY Daily News)
- Cuộc sống trong tù của kẻ thảm sát Na Uy thắng kiện chính phủ
- Kẻ thảm sát Na Uy thắng kiện chính phủ
- Trong vụ thảm sát Na Uy, cảnh sát 'quá chậm'
- Chuyện sống sót của nhân chứng vụ thảm sát Na Uy
- Nạn nhân vụ thảm sát Na Uy lần đầu ra làm chứng
- Lý do sát thủ Na Uy chỉ lĩnh án tù tối đa 21 năm
Leave a comment