Phương Tây trước cuộc đấu cân não với Putin

Blog typography and design style

Phương Tây trước cuộc đấu cân não với Putin

Các nhà ngoại giao Mỹ và Nga hôm nay gặp nhau tại Geneva, Thụy Sĩ để thảo luận về vấn đề Nga tăng cường lực lượng quân sự gần biên giới với Ukraine. Hai ngày sau, các quan chức Nga và NATO tiếp tục họp tại Brussels, với nội dung thảo luận chính là về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Giới quan sát nhận định đây có thể là một trong những thời điểm quan trọng nhất và là cuộc đấu căng thẳng nhất nhằm định hình quan hệ giữa Nga và NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trước thềm đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết có hai con đường cho cuộc khủng hoảng, trong đó "theo đuổi chính sách ngoại giao và giảm leo thang" là lựa chọn mà Mỹ và cộng đồng quốc tế mong muốn.

Blinken đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở Stockholm, Thụy Điển hồi tháng 12 năm ngoái, trong bối cảnh các cường quốc phương Tây ngày càng lo ngại về nguy cơ Nga phát động một chiến dịch quân sự ở Ukraine. Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc này, đồng thời đưa ra đề xuất an ninh 8 điểm cho cả Mỹ và NATO nhằm giải quyết khủng hoảng.

Căng thẳng leo thang gần đây làm Mỹ và đồng minh phương Tây lo ngại về kịch bản tương tự năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine. Hành động này đã dẫn tới nhiều cuộc thảo luận nghiêm túc về vai trò của phương Tây và liệu họ có khả năng đối đầu với Nga hay không.

Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu mừng năm mới 2022 tại Moskva, Nga hôm 31/12/2021. Ảnh: Reuters.

Quan hệ giữa phương Tây và Nga chưa bao giờ trở lại quỹ đạo sau thời điểm đó, thậm chí còn bị đẩy xuống mức gần như thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Hội đồng NATO - Nga, thành lập năm 2002 với vai trò kênh đàm phán hợp tác giữa phương Tây và Nga, đã không nhóm họp trong hơn hai năm qua.

Blinken ngày 7/1 nói rằng có thể đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Mỹ, châu Âu và Nga tuần này, nhưng nó phải là "con đường hai chiều", trong đó Nga phải giảm leo thang căng thẳng gần biên giới Ukraine.

Dù nhiều quan chức NATO nói rằng động thái đồng ý ngồi vào bàn đàm phán của Nga là một nhượng bộ lớn và là dấu hiệu cho thấy ngoại giao có thể giúp giảm căng thẳng, họ cũng cảnh giác với khả năng Moskva sẽ không bày tỏ thiện chí trong cuộc gặp.

Một trong những đề xuất an ninh chủ chốt mà Nga đưa ra tháng trước là NATO phải ngừng ý định mở rộng về phía đông, đồng nghĩa nhiều quốc gia láng giềng Nga như Ukraine hay Phần Lan sẽ không được phép trở thành thành viên của liên minh quân sự này.

Tuy nhiên, NATO dường như sẽ không chấp nhận điều kiện này. Nhiều nguồn tin của NATO nói rằng đề xuất an ninh của Nga là "lố bịch" hoặc đơn giản là "màn kịch để các quan chức Nga có thể nói rằng họ đã cố gắng đàm phán với liên minh", để giải thích cho hành động leo thang căng thẳng sau đó.

Bối cảnh đó khiến cuộc gặp Nga - NATO ngày 12/1 trở thành một đòn cân não, nơi hai bên cố gắng củng cố quan điểm của mình và đòi hỏi nhượng bộ tối đa từ đối phương.

Theo một số quan chức các nước thành viên có tiếng nói nhất của NATO, cuộc gặp ngày 12/1 là cơ hội để khối đưa ra lập trường vững chắc và thống nhất: nếu tiếp tục leo thang căng thẳng, Nga sẽ phải đối mặt "hậu quả kinh tế nghiêm trọng và chúng tôi sẽ sử dụng những công cụ chưa được dùng năm 2014".

Nga bài binh bố trận quanh Ukraine. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Các quan chức không nói rõ về những công cụ "chưa từng có" đó, nhằm tránh để Nga biết trước và có cơ hội chuẩn bị. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh chúng sẽ là một tập hợp các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn.

Pasi Eronen, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Xung đột ở Anh, cho rằng thái độ đối đầu gay gắt của phương Tây có thể khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng thêm rằng mọi chuyện có thể tệ hơn nếu NATO không hành động.

"Chấp nhận những yêu cầu vô lý sẽ làm cho tình hình chung trở nên nguy hiểm hơn, vì nó sẽ chỉ khuyến khích Điện Kremlin hành động quyết liệt hơn. Trong khi đó, Trung Quốc và nhiều nước khác cũng đang theo dõi phản ứng của phương Tây với tính toán của Điện Kremline", Eronen nói.

Theo chuyên gia này, ngoài phương diện quân sự, Nga hiện nay khá yếu thế trước phương Tây khi nền kinh tế bị Covid-19 tàn phá nặng nề, trong khi triển vọng xuất khẩu dầu khí cũng khá ảm đạm, đặc biệt là với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt tới châu Âu. Điểm yếu kinh tế này là lĩnh vực mà phương Tây có thể giành được lợi thế trước Nga, nếu duy trì được đoàn kết, theo Eronen.

"Nền kinh tế Nga đang có quy mô gần như New York. Nếu phương Tây cùng phối hợp trong các biện pháp trừng phạt kinh tế hợp lý chống lại doanh nghiệp Nga, Tổng thống Putin sẽ nhanh chóng bị dồn vào thế khó", nhà tài chính Mỹ Bill Browder nhận định.

Giới quan sát cho rằng phương Tây từ năm 2014 đến nay đã áp đặt một số lệnh trừng phạt với Nga, nhưng họ có thể hành động quyết liệt hơn thế và đó là lý do cuộc gặp ngày 12/1 rất quan trọng.

"Nếu tất cả đồng minh NATO đồng lòng, họ có thể gửi thông điệp mạnh mẽ vào thời điểm quan trọng. Giống như chiến lược Putin đang áp dụng, phương Tây có cơ hội nói rõ quan điểm, thông qua kênh ngoại giao chính thức, rằng họ đã hết kiên nhẫn", bình luận viên Luke McGee của CNN nhận định.

Theo Richard Connolly, thành viên Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, "tăng cái giá phải trả cho hoạt động của các công ty Nga hoặc hạn chế họ tiếp cận nguồn vốn, công nghệ" có thể tác động lớn hơn tới nền kinh tế Nga hơn là nhắm vào các cá nhân.

Connolly cũng thêm rằng "áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp với những người làm ăn với Nga" trong những lĩnh vực như năng lượng, vũ khí, hàng hóa chiến lược có thể gây ra mức độ tổn hại tương tự các biện pháp trừng phạt thứ cấp từng làm với Iran.

Các đơn vị xe tăng, thiết giáp và pháo binh được Nga triển khai ở phía tây Crimea hồi tháng 10/2021. Ảnh: Maxar.

Luke McGee nhận định các cuộc đàm phán tuần này sẽ căng thẳng và cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không giải quyết dễ dàng, nhất là với một chiến lược gia khó đoán như Tổng thống Putin. Nhiều quan chức NATO cũng thừa nhận rằng Putin quan tâm tới Ukraine nhiều hơn phương Tây và sẽ cho thấy sự kiên nhẫn vô hạn để có thể đạt được những điều mình muốn.

Phương Tây bước vào "trận đấu cân não" với nhiều lợi thế chiến lược hơn Nga và về lý thuyết có thể tương đối dễ dàng giành thế "cửa trên", để buộc Moskva giảm căng thẳng ở Đông Âu. Tuy nhiên, Luke McGee cho rằng Putin, người đã thay đổi nước Nga trong hơn 20 năm cầm quyền, là lãnh đạo không dễ dàng nhượng bộ.

"Nếu muốn tận dụng thành công lợi thế của mình vào thời điểm quan trọng này, phương Tây phải đoàn kết tuyệt đối. Nhưng nếu họ phạm sai lầm, Putin có thể củng cố hình ảnh bản thân là người có thể đối đầu với liên minh mạnh nhất hành tinh", bình luận viên này nhấn mạnh.

Thanh Tâm (Theo CNN)

 

Leave a comment

Socials

Back to Top