Vụ rơi tiêm kích tối tân phơi bày điểm yếu của Đài Loan
Vụ rơi tiêm kích tối tân phơi bày điểm yếu của Đài Loan
2022-01-14 00:36:39Tiêm kích F-16V số đuôi 6650 do đại úy Trần Dịch điều khiển lao xuống biển ngày 11/1 sau khi cất cánh từ căn cứ Gia Nghĩa, phía đông đảo Đài Loan. Lực lượng cứu hộ của hòn đảo đã tìm thấy xác máy bay, song phi công 28 tuổi vẫn mất tích.
Vụ tai nạn xảy ra trong lúc phi đội F-16V diễn tập mô phỏng bổ nhào ném bom tốc độ cao, khoa mục huấn luyện rất khó với các phi công chiến đấu ít kinh nghiệm. Đại úy Trần Dịch mới gia nhập lực lượng phòng vệ tháng 3/2020 và chỉ có 322 giờ bay tích lũy.
Điều tra sơ bộ cho biết đại úy này đã bật loa ngoài hệ thống liên lạc trong buồng lái trước khi gặp nạn, khiến chỉ huy phi đội không thể trao đổi được với anh. Một số chuyên gia quân sự Đài Loan cho rằng đại úy Trần đã nhầm đây là nút giảm tốc độ.
Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Defense có trụ sở tại Canada, cho biết tiêm kích F-16V với hệ thống điều khiển bay và điều khiển vũ khí mới được phòng vệ Đài Loan vận hành từ tháng 11/2021, song chương trình và tiêu chuẩn huấn luyện có thể chưa được thay đổi kịp thời.
Tiêm kích F-16V số đuôi 6650 của phòng vệ trên không Đài Loan ở căn cứ Gia Nghĩa. Ảnh: CNA.
"F-16V có những nâng cấp rất tiên tiến, do đó chúng không phù hợp cho các nhiệm vụ huấn luyện cơ bản như mô phỏng tác chiến không đối đất", Chang cho biết.
"Không quân Trung Quốc đã sử dụng công nghệ thực tế ảo để huấn luyện phi công trẻ. Lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan cần điều chỉnh chương trình và tiêu chuẩn huấn luyện để theo kịp với đại lục", Chang nói.
Lã Lễ Thi, cựu giảng viên học viện của phòng vệ trên biển Đài Loan, cho biết các phi công của hòn đảo không được huấn luyện khoa mục bổ nhào ném bom nếu có số giờ bay ít hơn 100. Trong khi đó, đại úy Trần mới chỉ bay trên tiêm kích F-16V khoảng 60 giờ.
"Các phi công ít kinh nghiệm hơn buộc phải tăng cường nhiệm vụ huấn luyện", chuyên gia Lã cho biết. "Nguyên nhân tai nạn có thể do Đài Loan thiếu phi công đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng, khi họ lên kế hoạch mua nhiều tiêm kích Mỹ. Họ buộc phải đẩy mạnh đào tạo tăng cường cho phi công trẻ".
Ông Lã cho biết các học viên phi công của phòng vệ trên không Đài Loan đang được huấn luyện với tiêm kích thế hệ cũ F-5E có hệ thống điều khiển bay rất khác với F-16 tiên tiến. Các phi công trẻ cần được đào tạo thêm để thực hiện tiến trình chuyển đổi từ tiêm kích cũ sang loại mới hơn.
Đảo Đài Loan và eo biển cùng tên. Đồ họa: CSIS.
Chuyên gia Ben Ho tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, nhận định dù hệ thống điện tử và cảm biến trên F-16V là loại mới, khung thân tiêm kích này có từ cuối những năm 1990. "Các máy bay cũ cần được bảo dưỡng nhiều hơn và chuyên biệt hơn để có thể hoạt động", chuyên gia này nói.
Trong khi đó, tần suất điều động máy bay áp sát của không quân Trung Quốc ngày càng tăng những năm qua có thể khiến lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan "quá tải và phải giảm mức độ bảo trì máy bay".
"Vụ tai nạn ngày 11/1 là sự cố thứ 6 trong hai năm qua, điều này có thể cho thấy các vấn đề mang tính hệ thống trong lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan", Ben Ho nói. "Với vụ tai nạn gần nhất và quyết định dừng bay F-16 của phòng vệ Đài Loan, có khả năng quân đội Trung Quốc sẽ tăng các chuyến bay áp sát để gây áp lực lớn hơn nữa".
Máy bay Trung Quốc thực hiện hơn 950 phi vụ áp sát đảo Đài Loan trong năm 2021, tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2020, buộc phòng vệ Đài Loan liên tục triển khai tiêm kích để ứng phó.
Chuyên gia Antony Wong Ton ở Macau nhận định vụ tai nạn ngày 11/1 cho thấy cuộc chiến tiêu hao của Bắc Kinh nhằm vắt kiệt lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan "đang phát huy tác dụng".
Dàn tiêm kích F-16V của phòng vệ Đài Loan tham gia diễn tập "Voi đi bộ" tại căn cứ Gia Nghĩa ngày 5/1. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và khẳng định sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc gần đây tổ chức nhiều cuộc diễn tập gần đảo Đài Loan với khi tài tối tân, đồng thời thường xuyên điều máy bay quân sự áp sát hòn đảo.
Đài Loan đã ký hợp đồng trị giá 3,96 tỷ USD với tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ để nâng cấp 141 tiêm kích F-16A/B sang chuẩn F-16V hiện đại nhất, trong đó 64 chiếc đã hoàn thành. Hòn đảo cũng đặt mua thêm 66 tiêm kích F-16V của Mỹ trong thương vụ trị giá 8 tỷ USD.
Phi đoàn F-16V đầu tiên, với hệ thống điện tử hàng không, radar và vũ khí mới, được Đài Loan biên chế trong nỗ lực ứng phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ các loại máy bay hiện đại của không quân Trung Quốc, trong đó có tiêm kích tàng hình J-20.
Tiêm kích F-16V có thể mang theo tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder của Raytheon, với tầm bắn 1-35 km. Trung Quốc đã áp lệnh trừng phạt tập đoàn Lockheed Martin vì bán vũ khí cho đảo Đài Loan.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)
- Tiêm kích hiện đại nhất Đài Loan mất tích
- Tìm thấy xác tiêm kích Đài Loan lao xuống biển
- Lý do có thể khiến tiêm kích tối tân Đài Loan lao xuống biển
- Tiêm kích Đài Loan diễn tập chiến đấu
- Đài Loan khoe phi đoàn F-16 đầu tiên được Mỹ nâng cấp
Leave a comment