Tiêm kích bom Nga được ví như 'thùng xăng bay'

Blog typography and design style

Tiêm kích bom Nga được ví như 'thùng xăng bay'

Su-34, mẫu tiêm kích bom mang biệt danh "Thú mỏ vịt" của Nga, được giới chuyên gia quân sự phương Tây coi là trường hợp dị biệt trong những dòng chiến đấu cơ được sản xuất hiện nay, với nhiệm vụ độc đáo và phản ánh tư duy thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh.

"Một điểm ấn tượng với mẫu tiêm kích Thú mỏ vịt này là khả năng mang lượng lớn nhiên liệu trên một máy bay chiến thuật, cho phép nó thực hiện những nhiệm vụ rất dài ở tầm xa, ngay cả khi không có máy bay tiếp dầu. Đây thực sự là 'vua nhiên liệu' trong những dòng chiến đấu cơ phản lực hiện nay", chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway nhận xét.

    Chuyên gia Mỹ ca ngợi Su-34 Nga là 'vua mang dầu'

Tiêm kích bom Su-34 Nga tham gia diễn tập Zapad ở tỉnh Leningrad hồi năm 2021. Video: BQP Nga.

Su-34 được phát triển từ nền tảng tiêm kích hạng nặng Su-27 và có khả năng đối không tương đối mạnh mẽ, nhưng nó ra đời từ nhu cầu về một loại cường kích và máy bay ném bom chiến thuật của không quân Liên Xô. Nước này bắt đầu nghiên cứu phiên bản cường kích dựa trên dòng Su-27 ngay từ năm 1977, với mục tiêu tận dụng tối đa thiết kế khung thân của chiến đấu cơ này và kết hợp với những hệ thống định vị, tiến công chuyên biệt.

Tuy nhiên, cường kích cánh cụp cánh xòe Su-24 và biến thể trinh sát khi đó đang được chế tạo hết công suất tại các nhà máy hàng không, khiến phiên bản cường kích của Su-27 không được ưu tiên phát triển. Điều này chỉ thay đổi vào năm 1986, khi biến thể tiêm kích bom Su-27IB ra mắt với radar mảng pha Sh-141 vốn phát triển cho Sukhoi T-60S, nguyên mẫu cường kích có thiết kế và kích thước gần tương đương oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M.

Su-27IB được hoán cải từ khung thân tiêm kích huấn luyện chiến đấu Su-27UB, giữ lại phần lớn khung thân và động cơ nguyên bản, nhưng thân trước được bọc giáp và điều chỉnh để phi công và sĩ quan vũ khí ngồi ngang hàng. Phần đuôi máy bay cũng được tăng kích thước để chứa dù và máy phát điện.

Dòng Su-27IB được kỳ vọng sẽ kế nhiệm cường kích Su-24, vốn có tầm bay tương đối giới hạn. Su-24 khi mang vũ khí đầy đủ chỉ có bán kính chiến đấu gần 600 km với hai thùng dầu phụ và tốc độ 1.200 km/h ở độ cao nhỏ.

Su-24 chỉ có thể tấn công mục tiêu cách tiền tuyến 150-300 km, kém xa mẫu máy bay tương đồng của Mỹ là F-111. Phiên bản FB-111 của Mỹ có bán kính hoạt động tới gần 2.900 km khi mang hai tên lửa dẫn đường AGM-69 cùng 4 thùng dầu phụ.

Nhược điểm về tầm tác chiến của Su-24 được khắc phục nhờ sự xuất hiện của Su-27IB, sau này đổi tên thành Su-34. Tiêm kích hạng nặng Su-27 nguyên bản có khả năng mang 9,4 tấn nhiên liệu ở các khoang trong thân, cho phép nó không cần đeo thùng dầu phụ và phụ thuộc vào máy bay tiếp dầu như chiến đấu cơ phương Tây, mà vẫn đạt tầm bay tới 3.700 km khi không mang vũ khí.

Với dòng Su-34, lượng nhiên liệu trong thân được tăng tới hơn 12 tấn, cùng khả năng tiếp dầu trên không. "Dù vậy, tầm bay không cần tiếp dầu vẫn được đề cao, bởi máy bay tiếp dầu Liên Xô và Nga đều biên chế cho lực lượng không quân chiến lược, không nằm trong học thuyết vận hành không quân chiến thuật. Điều này chỉ thay đổi trong những năm gần đây", Rogoway nói.

Tiêm kích bom Su-34 Nga với ba thùng dầu phụ. Ảnh: Russian Planes.

Để tăng tầm bay, Su-34 có thể mang 3 thùng dầu phụ PTB-3000, mỗi thùng chứa được 2,3 tấn nhiên liệu, nhiều hơn toàn bộ lượng dầu trong thân tiêm kích F-5E và gần bằng chiến đấu cơ F-16 Mỹ.

Điều này cho phép một tiêm kích bom Su-34 mang tổng cộng hơn 19,2 tấn nhiên liệu ở cấu hình cao nhất, tương đương lượng dầu trong thân của 6 chiếc F-16 Mỹ. Tiêm kích hạng nặng F-15E Strike Eagle của Mỹ cũng chỉ mang được tối đa 16 tấn nhiên liệu với 3 thùng dầu phụ và thùng dầu gắn ngoài thân.

Với khả năng mang nhiên liệu được ví như "thùng xăng bay" như vậy, Su-34 có tầm hoạt động tối đa gần 4.000 km, vượt gần nửa chiều dài nước Nga, giúp chúng có thể thực hiện những nhiệm vụ cách xa căn cứ.

Khi mang 3 tấn bom, 4 tên lửa đối không và một thùng dầu phụ, Su-34 vẫn đạt tầm bay tới gần 3.000 km ở độ cao lớn, hoặc 1.700 km khi bay sát mặt đất và mặt biển, gấp nhiều lần mức tối đa 300 km của Su-24. Tầm bay xa cùng tải trọng vũ khí lớn cho phép Su-34 thực hiện nhiệm vụ chính là tấn công sở chỉ huy, thông tin liên lạc và hậu cần ở sâu trong lòng địch, cũng như cắt đường tiếp tế cho lực lượng tiền phương.

Hồi tháng 7/2010, nhiều biên đội Su-24M và Su-34 đã thực hiện chuyến bay không nghỉ dài 6.000 km từ phía tây Nga đến vùng Viễn Đông. Các phi cơ đều mang tải trọng vũ khí tối đa và mô phỏng đòn công kích đối phương. Đợt diễn tập đã phô diễn tầm bay của Su-34, khi các máy bay chỉ cần tiếp dầu trên không hai lần, so với 3 lần của biên đội Su-24M.

Dòng Su-34 Nga được cho là tham chiến lần đầu trong chiến tranh 8 ngày với Gruzia năm 2008, trong đó một số hệ thống cảnh giới của Gruzia dường như đã bị phá hủy bằng tên lửa chống radar của Su-34. Các đơn vị Su-34 cũng được triển khai rộng rãi trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, với vai trò thả bom không điều khiển hoặc bom dẫn đường vệ tinh nhằm vào vị trí phiến quân.

Vai trò tấn công tầm xa của Su-34 được chú ý trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và NATO liên quan đến vấn đề Ukraine leo thang. Mỹ và nhiều nước phương Tây cáo buộc Nga tập trung 100.000 quân gần biên giới Ukraine và có thể phát động chiến dịch quân sự vào quốc gia láng giềng. Moskva bác bỏ cáo buộc, nhưng không loại trừ biện pháp "kỹ thuật quân sự", cảnh báo phương Tây đối mặt "hậu quả khôn lường" nếu không chấp thuận các đề xuất an ninh do nước này đưa ra.

"Nếu Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, tiêm kích bom Su-34 nhiều khả năng sẽ là một trong những mũi nhọn xung kích. Tầm bay rất lớn cho phép các trung đoàn Su-34 ở sâu trong lãnh thổ Nga có thể tham chiến, thay vì phải triển khai đến gần biên giới", Rogoway nhận định.

Vũ Anh (Theo Drive)

  • Tương lai ngòi nổ Nga - Ukraine
  • Thế khó của Ukraine nếu nổ ra xung đột với Nga
  • Dồn quân sát Ukraine, Putin 'nắn gân' Biden

 

Leave a comment

Socials

Back to Top