Người Việt kể tuần sóng gió giữa bạo loạn Kazakhstan
Người Việt kể tuần sóng gió giữa bạo loạn Kazakhstan
2022-01-14 00:44:00"Tôi được tin bạo loạn nổ ra vào tối 4/1, khi đang cùng vợ con đi công viên nước gần tuyến đường vành đai của thành phố Almaty nhân dịp năm mới", anh Minh Tuấn, phó chủ tịch Hội người Việt tại Kazakhstan, người đã sống và làm việc ở đây từ năm 1994, kể với VnExpress. "Khi nhìn thấy nhiều xe tháo biển số xuất hiện, tôi cảm thấy tình hình bất thường nên đưa ngay vợ con về nhà".
Biểu tình bắt đầu bùng phát ở Kazakhstan từ ngày 2/1 để phản đối chính phủ quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi. Phong trào biểu tình sau đó nhanh chóng lan rộng tới Almaty, thành phố lớn nhất cả nước, rồi leo thang thành cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua.
Anh Tuấn cho biết rất bất ngờ với quy mô và mức độ bạo lực của làn sóng biểu tình, bởi đất nước Kazakhstan nhìn chung rất bình yên. Trong gần ba thập kỷ sống và làm việc tại Almaty, anh thỉnh thoảng vẫn chứng kiến một số cuộc biểu tình, nhưng hầu hết đều diễn ra ôn hòa.
Đưa vợ con về nhà đêm 4/1, anh Tuấn lập tức nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình khi xem bản tin về các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng, chứng kiến những phần tử quá khích đập phá cửa hàng và đốt xe cảnh sát.
"Chúng tôi đã liên lạc với toàn thể cộng đồng người Việt trong thành phố, thông báo có bạo loạn và khuyên mọi người ở yên trong nhà, tránh tham gia các hoạt động tụ tập đông người, thực hiện nghiêm chính sách của nước sở tại để đảm bảo an toàn", anh cho biết.
Sống gần trung tâm thành phố, anh Tuấn nghe thấy những tiếng súng rền vang, khiến mọi người hoang mang. Các lực lượng cảnh sát, phòng cháy chữa cháy gần như không thể liên lạc được, vì họ đều dồn lực ứng phó tình hình.
Cả gia đình anh "cố thủ" trong nhà để tránh rủi ro. Khi xuất hiện thông tin về nạn hôi của, anh cảnh báo mọi người trong cộng đồng không mở cửa cho bất kỳ ai, kể cả cảnh sát nếu họ không trình được giấy tờ hợp pháp, vì lo sợ kẻ gian giả dạng cướp tài sản.
"Đêm 5/1 và ngày 6/1 là thời điểm tình hình xấu nhất. May mắn là cộng đồng người Việt tại thành phố vẫn an toàn. Tôi an tâm hơn khi tình hình đã được kiểm soát đáng kể", anh Tuấn chia sẻ trong cuộc điện thoại liên tục ngắt quãng do tín hiệu mạng chập chờn.
"Tín hiệu không ổn định có khả năng do đầu dây bên này, khi giới chức Kazakhstan áp dụng biện pháp nghiệp vụ để ứng phó bạo loạn và truy tìm các phần tử khủng bố. Trong cả tuần qua, mỗi ngày người dân ở Almaty chỉ có thể lên mạng khoảng ba tiếng", anh giải thích.
Một cửa hàng tại khu trung tâm thành phố Almaty, Kazakhstan được gia cố bằng ván ép sau khi cửa ra vào bằng kính bị đập vỡ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đức Tôn, giảng viên Đại học Nazarbayev ở thủ đô Nur-Sultan, cho hay tình hình ở khu vực này không phức tạp như ở thành phố Almaty, nhưng cũng trải qua nhiều biến động trong tuần qua.
"Sau một vụ biểu tình ôn hòa hôm 4/1 ở khu phố cũ của thủ đô, cảnh sát và quân đội được triển khai dày đặc. Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đóng cửa các trung tâm thương mại và cấm tụ tập đông người, nhưng người dân vẫn được đi lại bình thường", anh cho biết.
Mạng Internet bị cắt làm hệ thống thanh toán của các ngân hàng gián đoạn, nên nhiều người đổ xô đi rút tiền mặt. Mỗi ngày người dân Nur-Sultan vẫn có thể lên mạng khoảng 2-4 tiếng để cập nhật tin tức.
Azhar Karatayeva, một nữ nhân viên văn phòng Kazakhstan đang sống tại vùng Astana, cho biết cô không quá ngạc nhiên với làn sóng biểu tình, vì phương án tăng giá khí đốt đã bị dư luận phản đối quyết liệt từ đầu.
"Tôi đã nghĩ rằng xung đột có thể xảy ra, nhưng không ngờ mọi việc lại tồi tệ đến vậy. Tôi đã rất lo cho người thân và đau lòng khi đọc tin tức về thương vong", Karatayeva chia sẻ, nói thêm rằng văn phòng của cô đã chuyển sang chế độ làm việc từ xa.
"Người thân của tôi không thể ra khỏi nhà trong những ngày áp đặt tình trạng khẩn cấp, nhưng mọi thứ giờ đây dường như đang dần được cải thiện", cô nói.
Bạo loạn bị dập tắt sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), với nòng cốt là hơn 3.000 binh sĩ Nga, ngày 6/1 bắt đầu được triển khai tới Kazakhstan theo đề nghị của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở trọng yếu tại Kazakhstan, trong lúc lực lượng an ninh nước sở tại đối phó làn sóng bạo lực leo thang.
Bộ Nội vụ Kazakhstan ngày 10/1 thông báo trật tự cơ bản đã được vãn hồi, sau khi giới chức tiến hành chiến dịch truy quét, tiêu diệt "26 tên tội phạm vũ trang" và bắt gần 9.000 người liên quan đến các vụ bạo loạn.
Ít nhất 16 sĩ quan an ninh và 164 người Kazakhstan thiệt mạng trong tuần bạo loạn. Hơn 100 doanh nghiệp và ngân hàng bị cướp phá, hơn 400 phương tiện giao thông bị phóng hỏa, thiệt hại về tài sản có thể lên tới gần 200 triệu USD.
Binh sĩ và xe quân sự chặn một con phố ở trung tâm thành phố Almaty, Kazakhstan hôm 7/1. Ảnh: AFP.
Đức Tôn cho hay Đại học Nazarbayev có thể phải hoãn học kỳ mùa xuân tới ngày 24/1 do tình trạng khẩn cấp, nhưng anh lạc quan nghĩ rằng cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường sau khi an ninh được khôi phục.
Minh Tuấn cũng xác nhận thành phố Almaty đã ổn định hơn rất nhiều. Công ty bắt đầu làm việc trở lại bình thường từ hôm nay và anh đã có thể đến văn phòng sau gần một tuần chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ngay cả trong những ngày sóng gió nhất tuần qua, gia đình anh cũng không nghĩ đến việc rời khỏi Kazakhstan để lánh nạn. "Tình huống loạn lạc là câu chuyện chẳng ai muốn", anh Tuấn chia sẻ. "Chúng tôi muốn ở lại cùng người dân Kazakhstan vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Thanh Danh
- Lý do Kazakhstan chìm trong hỗn loạn
- Chuyên gia nêu lý do lửa bạo loạn Kazakhstan sớm lụi tàn
- Putin biến nguy thành cơ giữa khủng hoảng Kazakhstan
- Vì sao Nga khó khoanh tay trước bạo loạn Kazakhstan?
- Khủng hoảng Kazakhstan đe dọa lợi ích Trung Quốc
Leave a comment