Lý do có thể khiến Mỹ phát lệnh cấm bay bí ẩn
Lý do có thể khiến Mỹ phát lệnh cấm bay bí ẩn
2022-01-15 00:22:05Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đêm 10/1 bất ngờ ra lệnh cấm nhiều chuyến bay cất cánh từ một số sân bay ở khu vực Bờ Tây. Cơ quan này sau đó ra thông cáo cho hay lệnh cấm bay được thực hiện trong 15 phút để "đề phòng", nhưng không giải thích thêm.
FAA đến nay vẫn chưa giải thích rõ ràng về quyết định cấm bay đêm 10/1. Lệnh cấm được đưa ra cùng thời điểm Triều Tiên phóng tên lửa mang đầu đạn lướt siêu vượt âm, nhưng FAA không đề cập tới sự trùng hợp về thời điểm giữa hai sự kiện.
Bộ tư lệnh Chiến lược của quân đội Mỹ từ chối bình luận, trong khi Bộ tư lệnh phòng không Bắc Mỹ (NORAD) cho biết họ không liên quan tới lệnh cấm bay. Tuy nhiên, trang The War Zone chuyên về các vấn đề quân sự Mỹ dẫn các nguồn tin giấu tên tiết lộ vụ thử tên lửa Triều Tiên có thể đã khiến quân đội Mỹ kích hoạt Hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) và thúc đẩy FAA ra quyết định cấm bay để bảo đảm an toàn.
Một tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống GMD của Mỹ. Ảnh: USAF.
Theo đó, FAA đêm 10/1 đã chuyển một thông điệp tới các bộ phận giám sát không lưu, cho biết NORAD đã phát cảnh báo về một phương tiện cơ động đường không được phóng bằng tên lửa từ Triều Tiên có thể ảnh hưởng tới không phận từ quần đảo Aleutian thuộc bang Alaska đến thành phố Los Angeles, bang California.
Lệnh cấm bay được phát đến các trung tâm điều hành không phận tại Anchorage, Seattle, Oakland, Los Angeles và nhiều địa điểm khác. 16 phút sau, NORAD thông báo đầu đạn của tên lửa đạn đạo đã rơi xuống vùng biển phía đông Nhật Bản và các hãng bay có thể nối lại hoạt động hàng không bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, đầu đạn này rơi xuống vùng biển phía tây Nhật Bản.
Các nguồn tin cho hay chỉ vài phút trước lệnh cấm bay, NORAD đã thông báo cho FAA và yêu cầu trung tâm kiểm soát không lưu ở Los Angeles giải tỏa không phận ở phía bắc căn cứ Vandenberg của Lực lượng Không gian Vũ trụ Mỹ.
"Động thái này có thể nhằm chuẩn bị cho khả năng phóng tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống GMD. Phần lớn đạn đánh chặn nằm ở bang Alaska, nhưng một số tên lửa cũng triển khai ở Vandenberg để đề phòng và thử nghiệm", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận định.
Rogoway cho rằng FAA phát lệnh cấm bay vì cho rằng vụ phóng tên lửa Triều Tiên đặt ra mối đe dọa tiềm tàng với phi cơ dân dụng. Họ cũng có thể lo ngại máy bay chở khách có thể cản trở tên lửa đánh chặn của quân đội Mỹ nếu đầu đạn Triều Tiên tiến vào không phận.
FAA và quân đội Mỹ chưa bình luận về thông tin này.
Tên lửa mang đầu đạn siêu vượt âm trong ảnh được Triều Tiên công bố hôm 5/1. Ảnh: KCNA.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo vụ thử tên lửa siêu vượt âm hôm 11/1 được thực hiện thành công dưới sự giám sát của lãnh đạo Kim Jong-un, đầu đạn đánh trúng mục tiêu trên vùng biển cách xa 1.000 km. Đây là lần đầu tiên Kim Jong-un trực tiếp giám sát một vụ thử tên lửa kể từ tháng 3/2020.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết tên lửa Triều Tiên đạt vận tốc gấp 10 lần âm thanh, đạt tiêu chí của vũ khí siêu vượt âm.
Vụ phóng hôm 11/1 là lần thứ ba Triều Tiên thử tên lửa siêu vượt âm, sau lần đầu tiên tiến hành tháng 9 năm ngoái. Giới chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng đang muốn sử dụng những vụ phóng tên lửa liên tiếp để gây thêm áp lực, khiến các đối thủ chấp nhận họ là cường quốc hạt nhân và giảm nhẹ lệnh trừng phạt.
Vũ Anh (Theo Drive)
- Triều Tiên thử tên lửa, Mỹ phát lệnh cấm bay khó lý giải
- Phóng tên lửa mới, Triều Tiên quyết xuyên thủng lá chắn Mỹ
Leave a comment