Thủ tướng: Muốn có cán bộ giỏi phải tổ chức thi tuyển

Blog typography and design style

Thủ tướng: Muốn có cán bộ giỏi phải tổ chức thi tuyển

Sáng 12/1, phát biểu tại hội nghị do Bộ Nội vụ tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ công việc của ngành Nội vụ nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến bộ máy, con người, từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, ngành cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình tuyển chọn cán bộ, công chức để làm cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, ngành cũng cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng vị trí việc làm bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.

Lãnh đạo Chính phủ đánh giá xây dựng vị trí việc làm rất khó. Nhiều cơ quan, đơn vị đang làm theo hướng có bao nhiêu người thì xây dựng bấy nhiêu vị trí việc làm là không đúng. Thực tế một vị trí việc làm có thể có hàng trăm, hàng nghìn người, nhưng ngược lại 2-3 vị trí việc làm có thể chỉ dùng một người. Nếu có bao nhiêu người bấy nhiêu vị trí việc làm thì "muôn đời không giải quyết được mâu thuẫn giữa chất lượng và số lượng".

"Chúng ta phải thu hút nhân tài và việc thi tuyển rất quan trọng. Thi tuyển đã được cha ông đặt ra từ rất lâu, thế giới cũng đang thực hiện", ông Chính nói và cho rằng người tài quan trọng nhất là phải có tư duy, phương pháp luận tốt. Khi đó, họ có thể học ngành này làm ngành kia, nhưng vẫn tiếp cận rất nhanh (trừ ngành quá chuyên sâu, môn khoa học cơ bản). Những người tài chỉ làm việc một vài năm, nhưng hiệu quả công việc đã bằng người khác làm 10 năm.

Thủ tướng lưu ý, công tác cán bộ phải giữ vững nguyên tắc dân chủ, khách quan, minh bạch. Tinh thần chung là càng khó khăn, nhạy cảm càng phải đoàn kết, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của ngành Nội vụ sáng 12/1. Ảnh: Hoàng Thùy

Phát biểu trước đó, Chủ tịch Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết nhiều năm qua tỉnh đã tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý, chọn được người tài vào làm việc. Đầu tiên, UBND tỉnh ban hành quyết định về Đề án thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp công lập, sau đó phê duyệt Đề án tuyển chọn trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc cấp sở, UBND cấp huyện; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện...

Hiện nay, Quyết định số 36/2020 của UBND tỉnh Bắc Giang quy định việc tuyển chọn đối với viên chức lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn (trừ cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý). Mỗi vị trí tuyển chọn có ít nhất 2 người đủ điều kiện đăng ký tham gia dự tuyển, trường hợp chỉ có một người thì không tổ chức tuyển chọn mà điều động, luân chuyển người giữ chức vụ tương đương từ nơi khác đến.

"Để công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả, chúng tôi đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành Quy định về tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý làm cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện thống nhất", ông Dương nói.

Trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, đặc biệt là bộ máy bên trong của các bộ, ngành. Toàn ngành Nội vụ thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; phải chống tiêu cực, tham nhũng, từ tham nhũng chính sách, đến tham nhũng điều hành. Đặc biệt công tác cán bộ không có chạy chọt, không có chuyện "giữ Tổng cục này vì quan trọng lắm".

Theo Thủ tướng, đánh giá mức độ quan trọng phải dựa trên tình hình thực tế. Tình hình quyết định nhiệm vụ, và nhiệm vụ sẽ quyết định bộ máy, con người. Nguyên tắc là không có phòng trong vụ (trừ văn phòng), nơi nào quản lý nhà nước mới thành lập Cục. "Không có chuyện không thành lập tổng cục thì thêm mấy cục nữa. Bộ Công an cắt một lúc 8 tổng cục, nhưng nhiệm vụ chính trị vẫn hoàn thành", Thủ tướng nói.

Hoàng Thùy

 

Leave a comment

Socials

Back to Top