Lên núi hái nấm lim rừng
Lên núi hái nấm lim rừng
2022-01-15 00:27:54Cuối vụ thu hoạch, rảnh rỗi việc đồng áng, bà Huỳnh Thị Cái, 50 tuổi (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam) thường lên núi tìm sản vật rừng bán kiếm thêm thu nhập. Từ sáng sớm, bà cùng mọi người băng đường rừng hơn 5 km, vào núi Rai Vơ sau làng, nơi có rừng lim cổ thụ đẹp nhất Bình Thuận.
Nấm lim mọc trong rừng ở vùng cao Mỹ Thạnh. Ảnh: Việt Quốc
Cánh rừng lim xanh hơn trăm tuổi sừng sững trên núi cao mát lạnh, vọng tiếng chim rừng và côn trùng. Các phụ nữ người Raglai vạch những cành cây vướng víu qua một bên, tiến sâu vào bên trong. Ngọn gió nhẹ thổi qua trước mặt, phảng phất mùi nấm, mọi người chia nhau ra đi tìm quanh gốc lim già.
"Rễ lim lúc già mục sẽ sinh ra cây nấm, mình vạch cỏ tìm quanh đó, thế nào cũng thấy", bà Cái cho biết.
Nấm lim thường mọc vào mùa mưa hoặc sau những đợt mưa bão cuối năm lúc rừng tích tụ nhiều độ ẩm. Chúng mọc dưới tán lim, nơi có những rễ hoặc cành già rơi xuống đất lâu năm bị thối mục. Nấm trưởng thành cao chừng 15-20 cm. Lúc nấm còn non, mũ dù màu trắng. Dù nấm khi lớn thành tán mũ dày 2-5 cm, rộng 20 cm bằng bàn tay xòe ra có màu nâu vàng.
Bà Cái hái những cây nấm thơm phức bỏ vào gùi, rồi đi tiếp lên núi cao. Đến quá trưa, bà cùng chị em trong nhóm đi chéo qua hướng khác, vừa tìm nấm vừa xuống núi, kịp trở về nhà trước khi mặt trời lặn.
"Mùa này nấm ít, mỗi người hái một ngày chỉ được khoảng vài lạng đến nửa ký, nhưng bán giá cao vì gần Tết", bà Cái nói và cho biết trung bình một ngày kiếm được vài trăm nghìn, nhiều hơn một ngày công đi nhổ mì.
Bà Huỳnh Thị Cái với mớ nấm lim vừa hái trên rừng trở về. Ảnh: Việt Quốc
Không chỉ ở xã Mỹ Thạnh, mà vùng Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, cũng có nhiều nấm lim. Anh Nguyễn Văn Hậu, người dân địa phương, thường đi săn nấm trên các triền núi trải dài hơn 10 km từ Đông Giang về phía Gia Bắc (giáp tỉnh Lâm Đồng). Mỗi ngày anh đi từ tờ mờ sáng đến chiều tối mới về tới nhà, trên chặng đường hơn 20 km.
Người đi hái nấm phải sức khỏe dẻo dai, mới có thể băng từ ngọn núi này qua ngọn núi khác. "Đi hái nấm vất vả lắm, phải trèo qua nhiều triền núi cao mới có nấm mang về", anh Hậu nói.
Anh Hậu cho hay trên vùng cao này thường có hai loại nấm dược liệu được người dân hái về bán là nấm linh chi và nấm lim. Nấm linh chi mọc trong các rừng tre nứa, còn nấm lim mọc dưới tán lim xanh cổ thụ. Trong khi nấm linh chi giá 500-600 nghìn đồng một ký thì nấm lim đang được thương lái lùng mua với giá không dưới 2 triệu đồng một ký sau khi phơi khô.
"Gần Tết, nhiều người mua nấm ngâm rượu nên nấm lim bán rất có giá. Mỗi ngày tôi kiếm khoảng 400-500 nghìn đồng, hôm nào trúng được chừng một triệu", anh Hậu nói.
Con đường dẫn lên rừng lim nơi giáp ranh hai huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam. Ảnh: Việt Quốc
Bà Lý Mai Hương, người chuyên mua nấm lim ở vùng cao Bình Thuận, cho biết các tiệm thuốc Bắc và người sành về đông y rất thích mua nấm lim rừng bởi dược tính của nó cao hơn so với nấm trồng. Bà thu mua nấm khắp các vùng núi rừng Tánh Linh, La Ngâu, La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến... ở tỉnh Bình Thuận.
Vào mùa nấm rộ giữa mùa mưa, nấm lim xanh khô giá 1,5-1,8 triệu đồng, dịp gần tết giá 2-2,5 triệu đồng một kg tùy chất lượng. "Nấm rừng giúp chữa bệnh tốt hơn nấm trồng, nên lúc nào cũng có người hỏi và đặt trước. Tôi mua bao nhiêu đem về xuôi là hết bấy nhiêu", bà Hương cho hay.
Nấm lim xanh tên khoa học là Ganoderma Lucidum, được xem là thảo dược dùng trong đông y. Nấm có tác dụng hỗ trợ điều trị xơ gan, bệnh gout, viêm khớp, tiểu đường, dạ dày, tai biến; giúp tăng cường và phục hồi chức năng cơ thể như giảm mỡ máu, giải độc gan, thanh lọc cơ thể...
Việt Quốc
- Săn nấm linh chi trong rừng sâu
Leave a comment