Sơ cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cho trẻ vào đầu năm

Blog typography and design style

Sơ cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cho trẻ vào đầu năm

Ngày Tết, trẻ ăn uống theo chế độ ăn người lớn, thức ăn thường để lâu dài ngày, hâm đi hâm lại như thịt nguội, chả lụa, măng kho, thịt kho, bánh chưng, bánh tét... nhiều mỡ, đạm, dễ dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết nguyên nhân gây ngộ độc là do ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh, để ôi thiu, nhiễm vi khuẩn (Salmonella) và độc tố do chúng tiết ra như tụ cầu, vi khuẩn kỵ khí.

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc là vài giờ sau khi ăn, trẻ xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy phân lỏng nhiều, sốt khi thức ăn bị nhiễm khuẩn.

Theo bác sĩ Tiến, phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, ngộ độc bằng cách không dùng thực phẩm đã quá ngày sử dụng, rửa tay sạch trước khi nấu ăn, tay có vết nhiễm trùng thì không nên làm thức ăn. Chuẩn bị thức ăn đúng cách, rửa thật sạch các thực phẩm trước khi nấu nướng.

Các loại thịt ướp lạnh phải để cho tan đá hoàn toàn trước khi nấu nướng. Ăn các thức ăn vừa nấu chín, không bị ôi thiu. Bảo quản thức ăn bằng cách đậy kín, tránh ruồi, gián.

Theo điều dưỡng Trần Hồ Trung Tín (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố), dịp Tết vẫn nên duy trì chế độ ăn của trẻ gần với ngày thường. Thức ăn nên chế biến đơn giản, không quá cầu kỳ, không nên cho nhiều gia vị và phải phù hợp với khẩu vị của trẻ. Kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để tránh lạm dụng các thực phẩm ngày Tết, đặc biệt là bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhiều chất béo.

Trẻ nhỏ hay bị nôn trớ khi bị rối loạn tiêu hóa, nên tuyệt đối không ép con ăn nhiều, mà cho ăn từng ít một, chia thành nhiều bữa nhỏ. Nếu trẻ bị tiêu chảy, nên bù nước bằng nước điện giải, nước trái cây, các món ăn có đủ chất nhưng dễ tiêu hóa như cháo thịt nạc xay, cháo bí ngô thịt nạc, cháo cà rốt xay thịt nạc; các loại trái cây như chuối, hồng xiêm, đu đủ... Không nên cho con ăn các loại bánh kẹo nhiều đường và sữa có đường lactose.

Trẻ bị táo bón nên tăng cường bổ sung các loại rau xanh và trái cây giàu chất xơ, nhưng xay nhỏ và không nên ăn những loại rau già, nhiều chất xơ cứng gây cọ xát thành ruột.

  • Vào viện cấp cứu sau 30 phút ăn đào
  • Điều gì xảy ra khi ăn thực phẩm hết hạn dùng?
  • Cách tránh ngộ độc thực phẩm ngày nóng

Lê Phương

 

Leave a comment

Socials

Back to Top