Hiệu trưởng ở Anh nản lòng vì Covid

Blog typography and design style

Hiệu trưởng ở Anh nản lòng vì Covid

Trong cuộc họp quốc hội ngày 2/2, Paul Whiteman, Tổng thư ký của Hiệp hội Hiệu trưởng quốc gia (NAHT), cho biết nguồn cung lãnh đạo cho nhà trường có nguy cơ sụp đổ, đồng thời cảnh báo về xu hướng từ chối giữ vị trí cao trong ngành giáo dục sau khi khủng hoảng vì đại dịch qua đi.

"Đại dịch là khoảng thời gian căng thẳng và khó khăn với lãnh đạo nhà trường. Tinh thần của nhiều người bị ảnh hưởng và đa số cân nhắc bỏ nghề. Ngay cả những người hàng chục năm kinh nghiệm đứng lớp và quản lý không còn xem chức vụ lãnh đạo là một lựa chọn hấp dẫn, khả thi và bền vững", Whiteman nói.

Theo ông, ngay cả trước khi Covid-19 xảy ra, nhiều thách thức vẫn hiện hữu với các hiệu trưởng như khối lượng việc nhiều, cường độ làm việc cao nhưng tiền lương liên tục giảm trong một thập kỷ qua. Whiteman chỉ trích chính phủ gián tiếp làm tình trạng này trở nên trầm trọng khi thiếu tin tưởng và chậm ban hành các biện pháp hỗ trợ lãnh đạo trường học.

Một cuộc khảo sát của NAHT cho thấy, 53% lãnh đạo trường học chưa là hiệu trưởng không có nguyện vọng tiến lên vị trí này, tăng 13% so với năm 2016. Gần 9 trong số 10 trợ lý và phó hiệu trưởng (chiếm 87%) cho biết sự lo ngại về sức khỏe cá nhân, phúc lợi ngăn họ trở thành hiệu trưởng, và 93% cáo buộc chính phủ không hỗ trợ sức khỏe của họ trong đại dịch.

Lớp học tại Anh. Ảnh: Ben Birchall/PA

Diana Ohene-Darko, trợ lý hiệu trưởng và quyền hiệu phó tại hai trường tiểu học ở London, là một trong những người mong đợi sự nghiệp của mình sẽ tiến thêm một bước lên hiệu trưởng.

"Trước nay, tôi vẫn gọi mình là 'người đứng đầu đầy khát vọng' vì muốn mang đến nhiều lợi ích cho học sinh, giáo viên hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình phải phản ánh chuyện này. Việc đóng băng lương kéo dài hàng thập kỷ, các hiệu trưởng trở thành "vật tế thần" cho những chính sách thất bại của chính phủ, phải tự tìm kiếm sự hỗ trợ khiến chúng tôi phải nghĩ kỹ về việc có nên duy trì vị trí này hay không", Ohene-Darko nói.

Bà cho rằng đã đến lúc nghề giáo được nhận lại sự tín nhiệm xứng đáng, ngang hàng với các nước có nền giáo dục phát triển khác. "Chúng tôi cần được trả lương phù hợp với mức độ lạm phát để ghi nhận công sức, sự chăm chỉ trong suốt sự nghiệp của mình", Ohene-Darko nhấn mạnh.

Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ các lãnh đạo trường học, đảm bảo sự phát triển của giáo viên "ở mức hấp dẫn và đạt yêu cầu". "Những hành động này bao gồm chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho các hiệu trưởng, gói đầu tư trị giá 250 triệu bảng cho các cơ hội giáo dục và cam kết giúp giảm bớt khối lượng công việc, được quy định trong Điều lệ an sinh của nhân viên giáo dục".

Thanh Hằng (Theo Guardian)

 

Leave a comment

Socials

Back to Top