Uy lực tên lửa mạnh nhất Triều Tiên thử nghiệm trong 5 năm qua

Blog typography and design style

Uy lực tên lửa mạnh nhất Triều Tiên thử nghiệm trong 5 năm qua

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay thông báo nước này đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 hôm 30/1. "Vụ thử nghiệm đã xác nhận tính chính xác, đảm bảo và hiệu quả của hệ thống vũ khí đang được sản xuất Hwasong-12", KCNA cho hay.

Triều Tiên cho biết vụ thử nghiệm sử dụng "góc phóng cao nhất" để đảm bảo an toàn cho các quốc gia láng giềng. Quân đội Hàn Quốc trước đó thông báo tên lửa được phóng với góc cao từ tỉnh miền bắc Jagang, bay xa 800 km và đạt độ cao tối đa 2.000 km.

Tên lửa Hwasong-12 phóng thử hồi năm 2017. Ảnh: KCNA.

Giới chuyên gia chưa tính toán được tầm bắn quả đạn Hwasong-12 Triều Tiên phóng thử hôm qua. Dựa trên tham số các vụ thử Hwasong-12 năm 2017, David Wright, đồng giám đốc chương trình an ninh toàn cầu tại Liên minh Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS), tính toán tên lửa có thể đạt tầm bắn hơn 4.500 km nếu khai hỏa ở góc chuẩn để vào quỹ đạo tối ưu, cho phép nó dễ dàng vươn tới đảo Guam và quần đảo Aleutian, nơi đặt những căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ.

Tên lửa Hwasong-12 xuất hiện lần đầu trong cuộc duyệt binh ngày 15/4/2017 tại thủ đô Bình Nhưỡng. Nó được nhận định là phiên bản rút ngắn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) KN-08 chưa từng được nước này phóng thử. Quả đạn đặt trên xe chở đạn kiêm bệ phóng thường được dùng cho tên lửa đạn đạo Musudan.

Hwasong-12 dường như được phát triển nhằm thay thế cho tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, vốn được Triều Tiên chế tạo từ lâu, đạt tầm bắn tới 3.500 km và hoàn toàn có thể đe dọa Guam. Tuy nhiên, Musudan lại thể hiện độ tin cậy quá thấp khi chỉ có một lần thành công trong ít nhất 6 vụ thử và Triều Tiên không thể chắc chắn nó vươn tới được Guam hay không.

Trước vụ thử ngày 30/1, Triều Tiên đã 6 lần phóng tên lửa Hwasong-12, tất cả đều diễn ra trong năm 2017. Ba vụ đầu tiên thất bại, số còn lại đều thành công, trong đó hai vụ tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Vụ thử Hwasong-12 đầu tiên diễn ra ngày 5/4/2017 từ bãi phóng Sinpo ở tỉnh Nam Hamgyong. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thuộc quân đội Mỹ cho biết tên lửa đạt độ cao 189 km và bay xa 60 km trước khi mất kiểm soát, rơi xuống vùng biển phía đông Triều Tiên chỉ 9 phút sau khi rời bệ phóng.

Tên lửa Hwasong-12 Triều Tiên phóng thử hồi năm 2017. Ảnh: KCNA.

Cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên diễn ra chỉ sau đó hơn một tháng. Tên lửa bay xa 787 km và đạt độ cao hơn 2.111 trong chuyến bay dài 30 phút. Giới chuyên gia không ước tính được tầm bắn thực sự của Hwasong-12 do Triều Tiên không công bố khối lượng đầu đạn.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ khi đó ước tính Hwasong-12 có thể bay xa 4.500 km nếu mang đầu đạn nặng 500 kg, con số này là 3.700 km với đầu đạn nặng 650 kg hoặc gần 6.000 km với đầu đạn cỡ nhỏ.

Sau khi tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump dọa trút "lửa giận và thịnh nộ" xuống Triều Tiên, nước này đã đe dọa phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào đảo Guam. Theo kế hoạch, 4 tên lửa Hwasong-12 sẽ bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống vùng biển cách Guam 30-40 km. Kế hoạch này sau đó bị lãnh đạo Kim Jong-un hoãn lại.

Hệ thống động lực của Hwasong-12 dường như trang bị biến thể dựa trên động cơ RD-250 được sử dụng trên mẫu ICBM R-36 của Nga. Nó cũng được lắp các động cơ phụ cỡ nhỏ để điều chỉnh hướng bay và tăng độ ổn định, thay vì dựa vào cánh lái như một số dòng tên lửa trước đó.

Triều Tiên phô diễn 6 tên lửa Hwasong-12 trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2020. Chúng đặt trên bệ phóng tên lửa Hwasong-10, cho thấy Hwasong-12 có thể thay thế dòng Hwasong-10 có độ tin cậy thấp, nhưng chưa rõ mẫu tên lửa đã được đưa vào biên chế hay chưa.

Kế hoạch dùng 4 tên lửa Hwasong-12 tấn công Guam của Triều Tiên năm 2017. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định vụ phóng tên lửa đưa Triều Tiên tiến gần hơn đến lằn ranh vô hiệu hóa tuyên bố ngưng thử nghiệm ICBM, do lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra vào tháng 4/2018 để khởi động đàm phán hoà bình liên Triều và đối thoại phi hạt nhân hóa với Mỹ.

Ông cho rằng Triều Tiên dường như đi theo "mô hình tương tự" năm 2017, khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm ở bán đảo, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng có thể sớm khởi động lại các vụ thử hạt nhân và ICBM.

Vũ Anh (Theo CSIS)

  • Dụng ý của Triều Tiên sau 4 vụ phóng tên lửa bất thường
  • Đội quân thầm lặng sau chương trình tên lửa Triều Tiên
  • Nỗ lực Triều Tiên phát triển bộ ba 'tên lửa hủy diệt'
  • Dàn tên lửa uy lực trong kho vũ khí Triều Tiên

 

Leave a comment

Socials

Back to Top